Đăng nhập hệ thống


Phát triển chuỗi giá trị rau an toàn Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi nên huyện Mộc Châu có điều kiện sản xuất các loại rau quanh năm, chủng loại đa dạng, chất lượng tốt. Đây là lợi thế có thể khai thác nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy sự tham gia của nông dân Mộc Châu vào chuỗi giá trị rau cung ứng cho các thị trường đô thị lớn của miền Bắc. Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm khi nguồn cung cấp rau xanh của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng giảm sút do thời tiết nắng nóng thì nông dân Mộc Châu có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường các loại rau trái vụ như cải bắp, cà chua, su hào... để thay thế các loại rau nhập khẩu có chất lượng không rõ ràng. Tổng diện tích đất trồng rau an toàn của của huyện Mộc Châu khoảng 400 ha, tập trung tại các xã Đông Sang, Mường Sang, Chiềng Hắc và thị trấn nông trường. Trung bình diện tích đất trồng rau dao động từ 2.500 – 3.200 m2/hộ, diện tích rau lớn nhất là 7.000 m2/hộ và nhỏ nhất là 500 m2/hộ. Tuy nhiên, diện tích đất trồng rau chỉ chiếm tỷ lệ 11 – 20% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của hộ.

Tại các xã điều tra, rau được sản xuất nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. Bên cạnh những loại rau đặc thù (cải mèo, su su, đậu trạch), những loại rau khác cũng khá phổ biến như cải bắp, cà chua, su hào, cải đông dư... Tuy nhiên những loại rau này chỉ được tập trung sản xuất vào mùa đông, trùng với vụ sản xuất rau ở vùng Đồng bằng Sông Hồng nên rau Mộc Châu gặp khó khăn trong cạnh tranh và tiếp cận thị trường. Vì vậy, thu nhập từ sản xuất rau chiếm tỷ lệ nhỏ (11%) trong cơ cấu kinh tế hộ gia đình được điều tra.

Kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị rau Mộc Châu trước khi có các can thiệp phát triển cho thấy sản phẩm vẫn chủ yếu được tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Đây là thị trường không có yêu cầu cao về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đóng gói, nhãn mác... Vì thế giá bán rau thấp dẫn đến giá trị gia tăng và thu nhập từ sản xuất, kinh doanh của các tác nhân tham gia trong chuỗi thấp. 

Nghiên cứu nhu cầu của hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng cho thấy, hệ thống bán lẻ rau theo hướng chất lượng (cửa hàng, siêu thị) tại Hà Nội ưu tiên kinh doanh rau có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhu cầu về chủng loại rau đa dạng, từ 10 – 15 loại rau/chuyến hàng, tần suất cung ứng đảm bảo 2 ngày/chuyến hàng, liên tục trong cả năm. Bên cạnh đó một số siêu thị lớn như Fivimart, BigC, Metro, Hapromart... thường có yêu cầu khối lượng lớn, đa dạng chủng loại khi cung ứng, có chứng nhận an toàn và nhiều thủ tục về pháp lý nên hộ nông dân khó tiếp cận được những thị trường này. Đối với người tiêu dùng, chủ yếu dựa vào đánh giá cảm quan trong chọn mua các loại rau. Những tiêu chí được đánh giá cao khi chọn mua rau là độ tươi nguồn gốc và có giấy chứng nhận an toàn.

Để khai thác được lợi thế trong sản xuất và tổ chức cung ứng ra thị trường các sản phẩm rau đáp ứng đúng yêu cầu của hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng, hoạt động can thiệp phát triển chuỗi giá trị đã được triển khai thực hiện. Những hoạt động đó bao gồm: Thành lập các tổ chức nông dân (hợp tác xã hoặc tổ hợp tác) sản xuất rau an toàn, xây dựng và vận hành bộ máy quản lý chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và quảng bá, giới thiệu rau an toàn Mộc Châu, xây dựng liên kết thị trường tiêu thụ. Do đặc thù sản xuất rau tại Mộc Châu còn nhỏ lẻ, phân tán nên việc thành lập các các tổ chức nông dân là rất cần thiết. Các tổ chức nông dân này không chỉ giúp xây liên kết những người nông dân lại với nhau để tăng quy mô sản xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất chung mà còn thiết lập mối liên kết với các đối tác tiêu thụ. Hiện nay, đã có 3 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn đã được thành lập và đi vào hoạt động. Chứng nhận chất lượng rau an toàn là yêu cầu bắt buộc cần đáp ứng để rau an toàn Mộc Châu có thể được phân phối trong hệ thống siêu thị, và các chuỗi cửa hàng tiện ích. Bộ máy quản lý chất lượng rau an toàn Mộc Châu đã được vận hành với sự tham gia của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tổ chức nông dân. Trong đó, Chi cục hỗ trợ các tổ chức nông dân đăng ký chứng nhận VietGap cho sản phẩm, Phòng Nông nghiệp tổ chức các hoạt động tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các tổ chức nông dân trực tiếp vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử QR code và tổ chức kiểm soát chất lượng nội bộ. Ban kiểm soát chất lượng nội bộ của các hợp tác xã trực tiếp hướng dẫn và theo dõi các thành viên ghi chép nhật ký sản xuất. Toàn bộ thông tin ghi chép được cập nhật trên hệ thống truy xuất để cung cấp thông tin trong toàn bộ quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, nhận diện sản phẩm cho người kinh doanh và tiêu dùng.

Để giúp bảo vệ danh tiếng, thương hiệu, uy tín chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp đã phối hợp với UBND huyện Mộc Châu đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận "Rau an toàn Mộc Châu". Nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ năm 2016. Bên cạnh việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cũng được thực hiện như: Tổ chức Hội nghị thử nếm rau trái vụ Mộc Châu tại Hà Nội, hội nghị giới thiệu thương hiệu rau Mộc Châu, đưa sản phẩm tham gia hội chợ, tổ chức thăm quan vùng rau cho các nhà phân phối, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đến năm 2016, sản phẩm rau an toàn Mộc Châu đã xây dựng được liên kết tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội. Từ chỗ chỉ được tiêu thụ thông qua các chợ bán buôn (trước khi có các hoạt động can thiệp phát triển), rau Mộc Châu đã được cung ứng trực tiếp đến hệ thống các nhà phân phối, bán lẻ theo hướng chất lượng như: Siêu thị Fivimart, Metro, AEON, chuỗi cửa hàng Bác Tôm, Biggreen, Tràng An, Chất Việt, Greenlife...

Kết quả đánh giá tác động phát triển chuỗi giá trị rau an toàn Mộc Châu năm 2016 đã chỉ ra diện tích sản xuất rau an toàn ở các hợp tác xã và tổ hợp tác đã tăng lên từ 30 - 52% so với năm 2012. Tổng khối lượng rau được tiêu thụ thông qua kênh phân phối yêu cầu chất lượng cao (siêu thị, cửa hàng tiện ích) tăng từ 31 tấn trong năm 2012 lên 233 tấn, 361 tấn và 420 tấn lần lượt trong các năm 2013, 2014 và 2015. Trong năm 2016, tổng sản lượng rau được tiêu thụ tăng lên 691 tấn, tăng 64% so với năm 2015. Đến năm 2018, có khoảng 1.000 tấn rau an toàn của Mộc Châu đã được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. So sánh về giá bán rau cũng cho thấy, ở hầu hết các tháng trong năm, giá bán rau an toàn của Mộc Châu ổn định và cao hơn so với giá bán sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác.

Với quy mô sản xuất tăng và giá bán cao hơn đã giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Sản xuất rau trở thành hoạt động mang lại nguồn thu nhập chính cho nông dân. Năm 2016, thu nhập từ rau chiếm đến 62% tổng thu nhập của các hộ gia đình.

Như vậy, dựa trên kết quả nghiên cứu và thực hiện các hoạt động can thiệp vào chuỗi giúp khai thác được lợi thế của huyện Mộc Châu, phát triển sản xuất rau an toàn, phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán và thu nhập cho nông dân. Sản xuất rau trở thành hoạt động sinh kế chính cho nông dân tại nhiều xã của huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La.

Vũ Văn Đoàn

Phó trưởng Bộ môn Kinh tế và Chuỗi giá trị Nông sản



BÌNH LUẬN
THÔNG BÁO
LỊCH
LIÊN KẾT WEBSITE