Đăng nhập hệ thống


Giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

1. Thực trạng chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

            Quản Bạ là huyện biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang. Trong cơ cấu kinh tế của huyện thì Nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng. Trong ngành nông nghiệp, hoạt động chăn nuôi bò, ngựa và dê được đánh giá là lợi thế của huyện. Vì vậy, định hướng của Quản Bạ trong thời gian tới là tập trung phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi bò, ngựa dê theo hướng hàng hóa nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân đồng thời chủ động nguồn cung thực phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP phục vụ phát triển du lịch địa phương.

            Đối với chuỗi giá trị bò, tổng đàn bò của huyện có trên 12.000 con với trên 90% là giống bò bản địa có có sức chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của thời tiết và dịch bệnh. Đặc biệt trong đàn có bò U là giống có thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon có khả năng cạnh tranh tốt với các giống bò khác đang được chăn nuôi trong nước và bò nhập khẩu. 

            Đối với chuỗi giá trị dê, việc thay đổi phương thức nuôi từ chăn thả tự do khó quản lý sang nuôi nhốt cố định tại chuồng đã cho thấy được hiệu quả kinh tế cao của con dê. Vì vậy, đàn dê của huyện có xu hướng tăng lên trong thời gian qua, hiện nay tổng đàn dê của huyện có gần 4.000 con. Trong cơ cấu giống dê thì giống dê cỏ chiếm đa số, đây là giống có khả năng chống chịu dịch bệnh tốt nhưng năng suất thịt thấp.

            Chăn nuôi ngựa tại Quản Bạ vừa phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá của người dân tại vùng có địa hình phức tạp, đồng thời cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng và là nguồn thực phẩm có giá trị. Tuy nhiên quy mô đàn ngựa của huyện có xu hướng giảm đi trong thời gian qua, đến nay toàn huyện chỉ còn 600 con. Nhận thấy lợi ích của việc chăn nuôi ngựa sinh sản nhằm phát triển kinh tế hộ và định hướng phục vụ phát triển du lịch, huyện đã hướng dẫn thành lập HTX phát triển ngựa tại xã Thanh Vân. Tuy nhiên, hiện nay việc đưa ngựa vào thực tiễn phục vụ du lịch chưa thực hiện được, tốc độ tăng tổng đàn còn chậm chưa đủ quy mô trở thành hàng hóa

            Để thúc đẩy hoạt động chăn nuôi thời gian vừa qua, huyện Quản Bạ đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách như: hỗ trợ cải tạo giống vật nuôi, hỗ trợ trồng cỏ, chính sách tín dụng ưu đãi... Mặc dù vậy, việc phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi của Quản Bạ chưa mang tính đồng bộ theo hướng chuỗi giá trị khép kìn nên mới bước đầu giải quyết được một số khó khăn trong khâu sản xuất, kỹ thuật mà chưa có tác động nhiều đến các khâu tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, tạo dựng thương hiệu riêng cho hàng hóa gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

            Việc phát triển chăn nuôi và quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị là hình thức quản lý khép kín từ trang trại đến bàn ăn đang được Bộ NN và PTNN khuyến khích mạnh mẽ. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún nên hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Quản Bạ nói riêng còn nhiều khó khăn để ứng dụng phương thức chăn nuôi và quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị và gắn với nhu cầu thị trường này. Tình trạng phát triển tự phát là phổ biến, các tác nhân trong chuỗi về cơ bản chưa có sự ràng buộc lẫn nhau. Người chăn nuôi vì lợi nhuận có thể không tuân thủ đúng qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), phương thức chăn nuôi quảng canh cũng đang gặp nhiều vấn đề về kiếm soát dịch bệnh. Các hộ giết mổ hoạt động theo hình thức riêng lẻ không có ràng buộc, liên kết với các hộ/trang trại chăn nuôi, hệ thống giết mổ, vận chuyển sản phẩm không đảm bảo ATTP, chủ yếu bán sản phẩm cho các hộ bán lẻ tại các chợ dân sinh. Người bán lẻ không sử dụng hệ thống nhận diện, đóng gói, nhãn mác riêng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra quản lý chất lượng của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả. Hậu quả là người tiêu dùng không được hưởng dịch vụ tốt nhất, đôi khi là không có được sản phẩm tương xứng với chi phí đã bỏ ra... Tất cả những điều đó làm phát triển chăn nuôi của huyện chỉ dừng lại ở độ như hiện nay. Khi chưa giải quyết triệt để được những tồn tại này, việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn và thiếu tính bền vững. Vì vậy, để đưa các sản phẩm ra thị trường ngoài việc quản lý tốt các khâu sản xuất thì nhất thiết sản phẩm phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, bảo quản, đóng gói, nhãn mác đảm bảo ATTP để đảm bảo uy tín với người tiêu dùng. Bài viết này xin được chia sẻ một số giải pháp chính để phát triển chăn theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ.

2. Một số nhóm giải pháp phát triển chuỗi giá trị bò, dê, ngựa Quản Bạ

a) Giải pháp tổ chức sản xuất và xây dựng mối liên kết 

Do quy mô chăn nuôi tại Quản Bạ nhỏ, việc bán sản phẩm diễn ra không thường xuyên nên các hộ nông dân thường gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận để đạt được mức giá bán có lợi cho mình nhất. Chính vì thế, các hộ nông dân chăn nuôi cần liên kết lại với nhau thành một tổ chức nông dân (nhóm, HTX, Hội...). Sự liên kết đó là cơ sở để đạt được tính kinh tế theo quy mô nhờ cùng nhau thực hiện một kế hoạch chăn nuôi, cùng marketing, cùng chia sẻ thông tin và cùng bán sản phẩm ra thị trường. Hiệu quả kinh tế cũng có thể đạt được nhờ tiết kiệm hay cắt giảm các chi phí trung gian khác như chi phí kiểm dịch, vận chuyển, thông tin, liên lạc, kho bãi... Các đối tác thu mua sản phẩm (thu gom, lò mổ...) thường thích đàm phán với số ít các nhà cung cấp là những nguồn đáng tin cậy về chất lượng. Thông thường, việc thành lập một tổ chức nông dân là điều kiện tiên quyết để có được các hợp đồng bán, đặc biệt là với các tác nhân thu gom lớn, lò mổ. Thông qua tổ chức nông dân, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ được coi là các đối tác kinh doanh và tăng thế mạnh đàm phán trước người mua. Một mục tiêu khác để xây dựng mối liên kết là cùng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ (chính sách, tín dụng...) của Nhà nước. 

Xây dựng liên kết giữa người chăn nuôi trên địa bàn Quản Bạ với các tác nhân thu gom, giữa thu gom với các lò mổ và giữa lò mổ với những người bán lẻ có chức năng đưa sản phẩm từ người chăn nuôi đến với người tiêu dùng tại một thị trường cụ thể. Tuy nhiên, trong điều kiện áp lực cạnh tranh ngày càng lớn không chỉ đối với sản phẩm được nuôi từ các địa phương khác trong nước mà còn đối với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài thì việc phát triển các mối liên kết như trên góp phần hình thành các kênh tiêu thụ mới và mở rộng thị trường tiêu thụ.  

b) Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi

            Để nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, huyện Quản Bạ cần tiếp tục thực hiện:

            + Giống: Tăng cường công tác tuyển chọn cá thể có khối lượng lớn trong đàn để làm giống nhằm nâng cao tầm vóc và khả năng sinh trưởng của đàn vật nuôi thế hệ tiếp theo. 

            + Thức ăn: Chủ động nguồn cung cấp thức ăn đảm bảo dinh dưỡng cho đàn vật nuôi theo hướng hỗ trợ trồng giống cỏ có năng suất, chất lượng và thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của Quản Bạ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu và chuyển giao các mô hình dự trữ, xử lý và chế biến thức ăn phù hợp với điều kiện thực tế của người dân nhằm cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, ổn định trong cả năm

            + Thú y: Bên cạnh công tác thú y theo nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm, huyện Quản Bạ cần thu hút sự tham gia của đội ngũ thú y tư nhân ở các xã thông qua thành lập Hội thú y huyện và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho các thành viên tham gia.

            + Tăng cường năng lực: Tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo kỹ thuật chăn nuôi cho người dân theo phương pháp kết hợp lý thuyết với thực hành; Cung cấp tài liệu kỹ thuật chăn nuôi bằng hình ảnh cho người dân; Tổ chức hoạt động thăm quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi giữa các tổ chức nông dân trong và ngoài địa bàn Quản Bạ

c) Giải pháp xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường

            Để tiếp cận với các thị trường tiêu thụ tiềm năng, các sản phẩm chăn nuôi của Quản Bạ cần xây dựng được uy tín với người tiêu dùng không chỉ bằng chất lượng sản phẩm mà còn bởi các dấu hiệu nhận biết cụ thể. Do đó, giải pháp cần thực hiện là:

            + Lựa chọn và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho một số loại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng, có tiềm năng nâng cao sản lượng và đối tượng hưởng lợi

            + Xây dựng và hoàn thiện các công cụ nhận diện, quảng bá, giới thiệu sản phẩm

            + Tổ chức các hội nghị tác nhân giới thiệu các hoạt động, sản phẩm có nhãn hiệu, đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng

            + Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, mở các điểm bán, kênh phân phối sản phẩm tại các thị trường có nhiều tiềm năng như thành phố Hà Giang, Hà Nội

d) Giải pháp chính sách

            Một số chính sách cần thực hiện để hỗ trợ phát triển bền vững chuỗi giá trị chăn nuôi Quản Bạ là:

            + Quy hoạch chăn nuôi theo đối tượng vật nuôi, địa bàn xã để phát huy được thế mạnh về điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán và định hướng phát triển thương mại, du lịch của từng địa phương

            + Xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi thông qua tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi hình thức nuôi "gầm sàn" sang nuôi có chuồng riêng và xử lý chất thải nhằm quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe người dân

            + Vốn, tín dụng: Tiếp tục các chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân vay vốn ưu đãi, tăng vốn vay và kéo dài thời gian vay phù hợp chu kỳ chăn nuôi gia súc

Vũ Văn Đoàn

Phó trưởng bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Chuỗi giá trị nông sản



BÌNH LUẬN
THÔNG BÁO
LỊCH
LIÊN KẾT WEBSITE