Xây dựng chỉ dẫn địa lý mật ong hoa ngũ gia bì vân thủy, huyện chi lăng, tỉnh lạng sơn
Xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có diện tích đồi, rừng lớn với nhiều loại cây tự nhiên và cây rừng trồng có tiềm năng khai thác thành cây nguồn mật để phát triển nghề nuôi ong mật. Trong số các loại cây rừng đó, cây ngũ gia bì mọc tự nhiên, trên quy mô diện tích khoảng 900 -1.100 ha. Cây ngũ gia bì (tên gọi khác là cây chân chim, mạy tảng, xuyên gia bì, thích gia bì…) có tên khoa học là Schefflera heptaphylla là cây dược liệu. Nhận thấy lợi thế từ cây nguồn mật tự nhiên và quy mô lớn, đã có trên 100 hộ gia đình của xã Vân Thủy phát triển nghề nuôi ong trong nhiều năm qua. Mật ong hoa ngũ gia bì thu được có màu trắng ngà chứ không đậm màu như các loại mật ong khác, vị ngọt thanh pha chút đắng nhẹ, hàm lượng đường (glucose và fructose), carbohydrat, chất chống ôxy hóa cao. Đặc biệt, hàm lượng vitamin B5 (axit pantothenic) có trong mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy cao gấp 10 lần so với mức tiêu chuẩn theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của USDA (0,068mg/100g).
Trên thị trường hiện nay, mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy có giá bán bình quân là 500.000 đồng/lít, cao hơn gấp 1,5 lần so với các loại mật ong thông thường khác (mật ong nhãn, vải, keo). So sánh với giá bán của các loại mật ong đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) khác thì mật ong Vân Thủy có giá bán tương đương mật ong Mù Cang Chải – Yên Bái, thấp hơn giá bán của mật ong bạc hà Mèo Vạc – Hà Giang.
Để góp phần bảo vệ và khai thác danh tiếng, giá trị chất lượng của sản phẩm, dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy đã được phê duyệt thực hiện. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các địa phương đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn lựa chọn chủ trì thực hiện dự án.